Cải tạo chung cư cũ - Nhà nước cần đóng vai trò chủ chốt

(Xây dựng) - TP.HCM là đô thị lớn có trên 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có khoảng 50 chung cư trong tình trạng hư hỏng nặng hiện cần cải tạo gấp.

Ngày đăng: 25-08-2015

1,187 lượt xem

Xã hội hóa

Để cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM nên thực hiện bằng cách xã hội hóa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng làm. Theo ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng TP.HCM: Để thực hiện tốt việc xã hội hóa thu hút vốn đầu tư cho việc cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ. Nhà nước cần đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng bài toán lợi ích giữa các bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

“Với sự đảm bảo của Nhà nước, người dân có thể góp vốn cùng doanh nghiệp cải tạo hoặc xây dựng lại chung cư cũ. Những người góp vốn sẽ nhận được những ưu đãi như việc chọn tầng, chọn căn nhà ở sau này, tùy theo tỷ lệ góp vốn. Nhà nước cũng có thể tổ chức việc thực hiện mua trái phiếu xây dựng chung cư cũ từ chính cư dân sống ở đây…” - ông Sơn hiến kế.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: “Hiệp hội nhận thấy chỉ có thực hiện phương thức xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước, của cộng đồng chủ sở hữu chung cư thì mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, góp phần chỉnh trang đô thị. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có nhiều chính sách, cơ chế hợp lý và khả thi hơn. Nếu chỉ cho phép xây dựng lại chung cư mới với chỉ tiêu quy hoạch giống như chung cư cũ thì không khả thi, vì sẽ không có nhà đầu tư nào có thể thực hiện được. Đồng thời, cần khẳng định phương thức tập thể chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền tự mình quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư nếu có đủ điều kiện và năng lực”.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý các khu chung cư cũ tại TP.HCM vẫn còn chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Ở một số khu chung cư vẫn còn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về giấy tờ, quyền sở hữu nhà và không gian chung. Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ thì cần phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư.

Hài hòa lợi ích giữa các bên

Hầu hết các chung cư cũ bị hư hỏng cần cải tạo, xây dựng lại chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm của các thành phố lớn, có vị trí thuận lợi, nếu có phương án đầu tư, khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Khó khăn lớn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp với với nhu cầu của người dân và không thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, trong khi nguồn ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Tôi cho rằng, việc chậm cải tạo các chung cư cũ có phần trách nhiệm của chính quyền và người dân. Chính quyền thì không quyết tâm làm, không tổ chức được để làm. Còn về phía người dân, nhiều người đòi hỏi quá đáng. Riêng về những người đầu tư như chúng tôi thì nói thật là rất khó để tham gia vào việc cải tạo các chung cư cũ”.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Đông ở cư xá Thanh Đa chia sẻ: Theo quy định của Nhà nước điều kiện tái định cư là di dời người dân đến chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ. Bên cạnh đó, giá đền bù phải phù hợp với giá thị trường để người dân có thể tự tìm chỗ ở mới, phù hợp với cuộc sống và công ăn việc làm.

Sắp tới, TP.HCM sẽ tháo dỡ, di dời 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân đang sinh sống, đồng thời xây dựng mới khoảng 60 chung cư cũ với quy mô 9.870 căn hộ. Hy vọng tiến độ cải tạo chung cư cũ sẽ được thực hiện nhanh chóng góp phần phát triển đô thị và tạo chỗ ở hiện đại đồng bộ cho hàng chục ngàn người dân đang sinh sống trong những khu chung cư này.

Cao Cường

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hỗ trợ kỹ thuật
    Hỗ trợ kỹ thuật

    Hỗ trợ kỹ thuật

    0988373605

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,979,098

Đang online2

0988 373 605