(Xây dựng) - Cho dù độ lượng và có cái nhìn chia sẻ đến đâu chăng nữa thì vẫn phải khẳng định rằng, sản xuất điện từ than đá là “hạ sách” trong thời đại văn minh hiện nay, bởi sự ảnh hưởng của nó đến môi trường sống của con người, không chỉ hiện tại mà cả cho con cháu mai sau.
Ngày đăng: 16-11-2016
1,176 lượt xem
Trong cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40 nghìn MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ KWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.
Tuy vậy, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.
Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường?
Có nhiều ý kiến cho rằng đây là nhu cầu tất yếu về sự phát triển của nền kinh tế đất nước và là con đường duy nhất về điện năng, trong khi nước ta còn nghèo, không có điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), như điện gió, điện mặt trời...
Có lẽ cũng nên nhắc lại lời cảnh báo cách đây ít lâu của TS Đặng Đình Thống (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam) rằng, Việt Nam phải thay đổi ngay lập tức cách tư duy về phát triển NLTT trước khi quá muộn.
Theo ông, từ nhiều chục năm nay, chúng ta đã có những đánh giá và định kiến không tốt đối với NLTT nói chung và điện NLTT nói riêng. Những định kiến phổ biến nhất bao gồm: một là NLTT quá đắt và do đó là các nguồn năng lượng không kinh tế; hai là NLTT khó có thể trở thành nguồn năng lượng thương mại vì khó có thể đáp ứng về công suất và chất lượng điện năng đối với các phụ tải lớn, phụ tải công nghiệp.
Thế nhưng hiện nay, các tiến bộ về khoa học - công nghệ đã và đang đảo ngược tình thế, và ở nhiều nước trên thế giới, chúng đã cạnh tranh ngang ngửa với nguồn điện từ năng lượng hóa thạch.
Chẳng hạn, Vương quốc Dubai vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3 cent/KWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi KWh điện.
Vậy đâu có đắt?
Gửi bình luận của bạn