Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Xây dựng đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực của ngành Xây dựng để các đơn vị triển khai thực hiện. Nhờ vậy, toàn ngành đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ngày đăng: 29-08-2016
1,029 lượt xem
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng
Cụ thể, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, công tác tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật đã được đẩy mạnh.
Thông tin về năng lực hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng bước đầu đã được công khai, đăng tải rộng rãi trên trang web của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng địa phương. Tiếp tục triển khai công tác cấp phép xây dựng theo hướng đẩy mạnh công khai minh bạch, đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng.
Qua triển khai công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014, đã cắt giảm chi phí không hợp lý của nhiều dự án góp phần phòng, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Trong tháng 7/2016, cả nước đã xử lý 40/59 dự án trình thẩm định thiết kế cơ sở, 04/07 dự án trình thẩm định dự án, 23/27 dự án trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, 30/40 dự án trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
Trong 7 tháng năm 2016, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 05 đồ án và 03 nhiệm vụ đồ án quy hoạch; đã tổ chức thẩm định 04 nhiệm vụ đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và 03 đồ án quy hoạch chung đô thị. Các đồ án: điều chỉnh QHXD Vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh QHXD Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; QHC xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc; QHXD Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016....
Đến nay, đã có 7 tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị; 33 tỉnh đang tiến hành điều chỉnh/lập mới Chương trình phát triển đô thị. Quy định về chuyển quyền sử dụng đất có đầu tư hạ tầng cũng đã giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp tại 37 tỉnh/thành phố với tổng số 247 dự án; đã cho ý kiến 57/62 hồ sơ xin chấp thuận đầu tư. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2013/NĐ-CP để đảm bảo sự thống nhất với các Luật mới ban hành và giải quyết một số bất cập trong thực tiễn.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Nhiều dự án phát triển khu đô thị mới tiếp tục được triển khai. Trong 7 tháng năm 2016, đã có 11 dự án xin ý kiến chấp thuận đầu tư, trong đó có 03 dự án có quy mô lớn hơn 100ha. Tổng quy mô dự án xin ý kiến chấp thuận đầu tư khoảng 2.730ha.
Chú trọng các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm
Đáng chú ý, 7 tháng qua, các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm tiếp tục được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công đến nay đã hoàn thành hỗ trợ 81.505 hộ, đang triển khai hỗ trợ 10.543 hộ.
Về chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015: ngay sau khi chính sách được ban hành, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai việc hướng dẫn và đôn đốc các địa phương bình xét đối tượng, lập và phê duyệt đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Qua rà soát đề án của các địa phương có 264.895 hộ nghèo thuộc đối tượng đăng ký vay vốn.
Đến nay, đã có 88 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 200.000 sinh viên, 07 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%.
Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Các đơn vị đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đơn vị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 58 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 29.700 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.240 tỷ đồng; Đang tiếp tục triển khai 110 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 70.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 38.000 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản phát triển ổn định
Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2015, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản 7 tháng năm 2016 tiếp tục giữ mức tăng trưởng, số lượng giao dịch tăng trưởng ổn định, lượng hàng tồn kho giảm mạnh và dư nợ tín dụng ngày càng tăng.
Thị trường bất động sản phát triển ở nhiều phân khúc như thị trường nhà ở giá rẻ, nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Thị trường sôi động nhất tại một số phân khúc như căn hộ diện tích trung bình, các dự án có vị trí tốt, gần trung tâm, đi lại thuận tiện có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ. Trong 7 tháng năm 2016, tại Hà Nội có khoảng 9.050 giao dịch thành công; tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 8.700 giao dịch thành công.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ: Tính đến 20/7/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 35.958 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 14.931 tỷ đồng (giảm 29,3%); so với thời điểm 20/6/2016 giảm 1.530 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kiểm tra, thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường vật liệu xây dựng đã được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc tích cực triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung ở các địa phương. Đến nay đã có 52 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, 25 tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
7 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất kinh doanh của các DN ngành xây dựng ước đạt 90.136 tỷ đồng, bằng 55,7% so với kế hoạch năm 2016, bằng 103,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Gửi bình luận của bạn