Quản lý chất lượng công trình: Tăng cường và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình... đã tăng cường và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Giá trị dự toán cắt giảm sau thẩm tra, thẩm định 9,2% từ khi 2 nghị định đi vào cuộc sống cho thấy những nỗ lực cải cách của ngành xây dựng phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Ngày đăng: 08-09-2016

972 lượt xem

 

 

Triển khai Luật Xây dựng 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, khắc phục được hầu hết những bất cập của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ209. Từ ngày Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình có hiệu lực thi hành đã tăng cường và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng.

 

Ông Lê Văn Thịnh, chuyên gia xây dựng cho biết, triển khai NĐ15 và NĐ 46, cùng với việc kiểm soát chất lượng ngay từ bước khảo sát, thiết kế thông qua công tác thẩm tra, thẩm định thì việc kiểm tra công tác nghiệm thu (đối với các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước) đã có hiệu quả ngăn ngừa, chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế. Đồng thời, việc làm này cũng đã phát hiện và yêu cầu các bên liên quan điều chỉnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Bênh cạnh đó, việc kiểm tra công tác nghiệm thu cũng giúp cho các chủ thể tham gia quá trình xây dựng hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

 

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, từ khi Nghị định số 15/2013/NĐ-CP (ngày 15/4/2013) đến hết năm 2015, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu khoảng 19.000 công trình. Trong đó, TP.Hà Nội kiểm tra 498 công trình, TP.HCM kiểm tra 1.045 công trình, bình quân mỗi địa phương còn lại kiểm tra 276 công trình, mỗi bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra khoảng 200 công trình.

 

Theo phân cấp về trách nhiệm quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I thuộc loại công trình: dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, hạ tầng kỹ thuật, giao thông trong đô thị (trừ đường sắt, cầu vượt sông và quốc lộ). Đến nay Cục Giám định đã tổ chức kiểm tra 216 công trình, trong đó chủ yếu là công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật.

 

Kết quả kiểm tra 216 công trình của Cục Giám định cho thấy công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được các chủ thể quan tâm, chất lượng công trình từng bước được nâng cao, việc lập hồ sơ quản lý chất lượng đã được chú trọng. Tuy nhiên số công trình có tồn tại, sai sót trong thi công xây dựng vẫn ở mức cao, khoảng 87,5% công trình, trong đó 20,8% công trình tồn tại liên quan đến trình tự, thủ tục, hồ sơ quản lý chất lượng.

 

Các tồn tại thường gặp trong giai đoạn thi công như: gia công, lắp dựng cốt thép chưa đúng thiết kế, cấu tạo; chất lượng công tác ván khuôn chưa cao; việc thi công, bảo dưỡng bê tông còn chưa được chú trọng, khối xây thiếu mạch vữa; thi công chống thấm, thi công hệ thống cơ, điện còn nhiều sai sót, chưa tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu không nung theo Thông tư số 09/2012/TT-BXD. Công tác an toàn lao động còn chưa được coi trọng, việc thi công lắp dựng giàn giáo, sử dụng thiết bị nâng hạ, ý thức tuân thủ các quy định về an toàn của công nhân, cán bộ kỹ thuật kém, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.

 

Trong quá trình kiểm tra, Cục Giám định cũng đã yêu cầu, hướng dẫn các chủ thể liên quan khắc phục các tồn tại trong quá trình thi công, nâng cao chất lượng xây dựng và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho công trình.

 

Theo số liệu báo cáo của các địa phương thì trong năm 2013, giá trị dự toán cắt giảm sau thẩm tra, thẩm định năm là 2.841 tỷ đồng/30.983 tỷ đồng (tương đương 9,2%), năm 2014 cắt giảm 5.833tỷ đồng/108.240 tỷ đồng (tương đương 5,39%), năm 2015 cắt giảm 1.585 tỷ đồng/31.562 tỷ đồng (tương đương 5,02%).

 

Tổng số công trình đã kiểm từ ngày 15/04/2013 đến hết năm 2015 khoảng 19.000 công trình, trong đó năm 2013 kiểm tra 1.600 công trình, năm 2014 kiểm tra 7.138 công trình, năm 2015 kiểm tra 10.170 công trình.

 

Để đạt được những kết quả này, Luật Xây dựng 2014 cũng như NĐ15, NĐ 46 đã sửa đổi, bổ sung thêm các thuật ngữ liên quan đến chất lượng công trình, quy định về việc cộng điểm trong tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm đối với các nhà thầu, quy định về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ, quy định về thí nghiệm, kiểm định, quan trắc đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng…

 

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thịnh, công tác quản lý chất lượng công trình phụ thuộc vào 5 chữ M: Men gắn với năng lực của nhà thầu, Money gắn với nguồn lực cho đầu tư - tiền nào của ấy, Materials gắn với vật tư, vật liệu, Machine gắn với thiết bị máy móc, thi công đảm bảo chất lượng và Method gắn với phương pháp quản lý.

 

Trong năm 2013, giá trị dự toán cắt giảm sau thẩm tra, thẩm định năm là 2.841 tỷ đồng/30.983 tỷ đồng (tương đương 9,2%), năm 2014 cắt giảm 5.833tỷ đồng /108.240 tỷ đồng (tương đương 5,39%), năm 2015 cắt giảm 1.585 tỷ đồng/31.562 tỷ đồng (tương đương 5,02%).

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hỗ trợ kỹ thuật
    Hỗ trợ kỹ thuật

    Hỗ trợ kỹ thuật

    0988373605

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,978,411

Đang online4

0988 373 605