Thị trường tiêu thụ xi măng khó khăn: Doanh nghiệp phải làm gì?

Mặc dù các doanh nghiệp xi măng (XM) đều đưa ra chiến lược tiêu thụ của riêng mình nhưng thị trường dư cung và xuất khẩu không dễ, tiêu thụ sản phẩm XM tiếp tục khó khăn, cạnh tranh trên thị trường XM ngày càng khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp XM phải tìm hướng thoát riêng…

Ngày đăng: 24-08-2016

930 lượt xem

 

 

 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, cả nước có hơn 100 DN sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực XM. Nhiều địa phương và DN vẫn đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất. Công suất nhiều nhà máy cũng được nâng lên đáng kể, trước nhiều nhà máy có công suất từ 300.000 - 1 triệu tấn/năm, nay nhiều DN đã nâng công suất lên 3 - 4 triệu tấn/năm hoặc xây dựng thêm dây chuyền 2 để mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Cuối năm 2016 đầu năm 2017 Việt Nam có thêm 2 nhà máy là XM Sông Lam công suất 4 triệu tấn/năm và XM Thanh Liêm công suất 2,3 triệu tấn/năm đi vào sản xuất. Từ năm 2018 trở đi sẽ có thêm một số nhà máy như XM Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm, XM FiCO công suất 1,4 triệu tấn/năm, XM Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn/năm, nâng công suất toàn ngành lên 95,76 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2020, sản lượng XM của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn/năm.

 

Thời gian qua ngành XM đã rất nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ và con số tiêu thụ toàn ngành luôn đạt mức khá. Theo số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), 6 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ toàn ngành XM đạt gần 39 triệu tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch. Ước tính, trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 44 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu đạt gần 10 triệu tấn. Các chuyên cho rằng nếu tiếp tục đà tiêu thụ này thì sức cán đích tiêu thụ 75 - 77 triệu tấn, tăng 3,2 - 6% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa XM khoảng 59 - 60 triệu tấn (tăng 4,5 - 6,3%), xuất khẩu 16 - 17 triệu tấn (tương đương năm 2015) của năm 2016 là hoàn toàn khả quan.

 

Thế nhưng ngay cả một DN lớn nhất cả nước khi sở hữu 8 thương hiệu với các nhà máy từ Bắc vào Nam như VICEM thì tiêu thụ XM vẫn luôn là vấn đề khiến Ban lãnh đạo VICEM đau đầu. Giữ vững thị phần ở thị trường truyền thống, cốt lõi, tìm kiếm và phát triển mở rộng thị trường mới luôn được các đơn vị thành viên VICEM quan tâm, rốt ráo.

 

Theo ông Lê Thành Long - Tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch, bên cạnh việc nâng cao năng lực phân phối hiệu quả như hoàn thiện tổ chức hệ thống nhà phân phối chính, phát triển hệ thống cửa hàng đạt chuẩn… thì việc giữ vững cũng như phát triển thị trường sang các địa bàn mới là vô cùng quan trọng. VICEM Hoàng Thạch đang tập trung nâng cao năng lực sản xuất định hướng chất lượng và hiệu quả bằng cách tối ưu hóa sản xuất theo quản lý chuỗi giá trị (5 công đoạn và 7 phân đoạn), hoàn thiện hệ thống quy trình quản lý sản xuất theo tổ chức và mô hình chuỗi giá trị mới…

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng được nhiều DN VICEM quan tâm. Mặc dù chi phí đầu vào cho sản xuất XM luôn tăng nhưng giá bán XM được VICEM thống nhất giữ giá trong thời gian dài, tránh gây xáo trộn để ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ. Tại thời điểm này, giá XM PCB30 của Hoàng Thạch được bán là 1,270 triệu đ/tấn, PCB40 Tam Điệp có giá 1,170 triệu đ/tấn, PCB40 Hoàng Mai giá 1,250 triệu đ/tấn…

 

Một số địa phương có nhiều nhà máy sản xuất XM đặt trên địa bàn như vùng Hải Dương - Quảng Ninh, Thanh Hóa - Nghệ An, Hà Nam… thì thị phần cũng sẽ bị ảnh hưởng, chia sẻ khá nhiều. Đơn cử như khu vực Thanh Hóa, trong tháng 10 tới, dây chuyền 2,3 triệu tấn (6.000 tấn clinker/ngày) thuộc Nhà máy XM Long Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) do Cty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư sẽ được đưa vào hoạt động. Cộng thêm với dây chuyền 2 nhà máy XM Công Thanh, công suất 3,6 triệu tấn hoàn thành chưa đầy 1 năm… khiến địa bàn Thanh Hóa dày đặc nhà cung cấp với sản lượng gần chục triệu tấn.

 

Ở địa bàn tiêu thụ phía Nam, nơi được đánh giá tiêu thụ dễ thở nhất bởi mật độ các nhà máy XM không cao nhưng tính đến 30/6/2016, hàng tồn kho của XM Hà Tiên 1 ở mức 748,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với đầu năm. Mặc dù VICEM Hà Tiên đã đưa ra chiến lược bán hàng riêng; khảo sát thị trường XM, quan tâm tới công tác PR và quản lý thương hiệu, nâng cao các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; tiếp nhận và giải quyết nhanh nhất các ý kiến của khách hàng về sản phẩm; đưa ra các chương trình hành động cụ thể như kiểm soát quá trình thực hiện và phân tích kết quả thực hiện trong tiêu thụ và phát triển ngành hàng… nhưng hàng tồn kho trong năm 2016 vẫn gia tăng, trở thành nỗi lo lớn của nhà sản xuất.

 

Được thành lập năm 1994, Holcim Việt Nam (thuộc Tập đoàn XM lớn nhất thế giới Lafarge Holcim) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 233,8 triệu USD (gồm cả nhà máy điện); vốn đầu tư sau khi quyết toán là 441 triệu USD, trong đó Tập đoàn Holcim - Thụy Sỹ góp 65% vốn, vốn góp của VICEM là 35%. Nhưng nhà máy XM liên doanh có vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam này vừa bất ngờ bán toàn bộ 65% số vốn và rút khỏi thị trường XM Việt Nam.

 

Lý do chuyển nhượng không được đưa ra nhưng theo các chuyên gia trong ngành XM, một tập đoàn tầm cỡ như Lafarge Holcim đang kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam bất ngờ rút khỏi thị trường XM Việt Nam bởi hiện nay kinh doanh trong lĩnh vực XM tại Việt Nam không còn thuận lợi như những năm về trước, cạnh tranh trong tiêu thụ XM giữa các DN ngày càng khốc liệt và trong tương lai càng khốc liệt hơn.

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

Hỗ trợ trực tuyến

  • Hỗ trợ kỹ thuật
    Hỗ trợ kỹ thuật

    Hỗ trợ kỹ thuật

    0988373605

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,822,733

Đang online3

0988 373 605