Là mặt hàng nặng, vận chuyển khó khăn, tốn nhiều nhân lực, thời gian, chi phí vận tải nên vấn đề nâng cao chất lượng hệ thống logistics với ngành xi măng là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Ngày đăng: 23-09-2016
928 lượt xem
Ảnh minh họa
Thực tế, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp XM đã tập trung phát triển hệ thống phân phối khá tốt thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tối đa cho hệ thống phân phối, đại lý nhằm tăng sản phẩm tiêu thụ và tăng thị phần, tăng độ phủ, tăng tính cạnh tranh và nâng cao uy tín thương hiệu. Nhưng đây là mặt hàng nặng, vận chuyển khó khăn, tốn nhiều nhân lực, thời gian, chi phí vận tải nên vấn đề nâng cao chất lượng hệ thống logistics với ngành XM là yêu cầu bức thiết.
Nhận xét về logistics của ngành XM, lãnh đạo một doanh nghiệp XM cho rằng, việc làm các thủ tục, các vấn đề lưu trữ, kho bãi tương đối thuận lợi vì doanh nghiệp có thể tự làm hoặc thuê lại. Nhưng khó khăn lớn nhất là vận tải. Chi phí vận tải lớn, sản phẩm nặng, bốc dỡ, vận chuyển khó khăn, đặc biệt từ khi siết chặt tải trọng xe thì chi phí vận tải tăng đáng kể, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm XM.
Là đất nước có đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi tương đối phong phú, thuận lợi cho phát triển vận tải đường thủy nhưng những năm qua, việc phát triển hệ thống hạ tầng đường thủy để vận chuyển XM bị “lãng quên”, chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng, lợi thế. Nhà nước đã mở rộng đường vận tải ven biển từ Bắc vào Nam nhưng với ngành đặc thù là sản phẩm nặng, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết như XM thì cần có đội tàu chuyên dụng chất lượng, cần có cảng chuyên dụng phục vụ bốc dỡ và kho bãi lưu trữ, trung chuyển sản phẩm.
Trong khi vận tải đường thủy còn hạn chế thì vận tải đường bộ hay tàu hỏa vẫn chiếm đa số trong cơ cấu vận chuyển XM trên toàn quốc, mặc dù những đơn hàng có khối lượng lớn trên 50 tấn thì việc xin giấy phép hay thuê xe chuyên dụng không đơn giản. Hệ thống đường sắt chưa phát triển kịp thời, việc tháo dỡ tại các ga, cảng phải được trang bị, việc tạo điểm chứa trung gian chưa làm được nên còn bị động khiến việc vận chuyển khó khăn.
Để logistics ngành XM phát triển mạnh và tốt hơn trong thời gian tới, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải, việc phân bố mạng lưới nhà máy và cơ sở trạm nghiền phù hợp giúp giảm chi phí vận tải, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu của khách hàng là rất cần thiết.
Nói về chiến lược phát triển logistics của VICEM, ông Khải cho rằng, các nguồn cấp XM đến 1 địa điểm phải đa dạng và chất lượng, phải phối hợp chặt chẽ giữa các điểm giao hàng để chủ động được thời gian.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên VICEM, với một đất nước có tới trên 3000km bờ biển, địa hình, khí hậu đa dạng, nơi đường bộ tốt, nơi đường sông tốt, nhưng thời tiết cũng khá phức tạp… như ở Việt Nam thì các nhà cung cấp cần có kịch bản phù hợp, bố trí trạm trung chuyển tiếp nhận ở cự ly phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng thời gian nhanh đến tay người tiêu dùng.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quy cách đóng gói, bao bì sản phẩm để phù hợp thực tế, sử dụng các công cụ cơ giới hóa để giảm lao động phổ thông và sức người bốc vác, trung chuyển. Tích cực sử dụng công cụ hỗ trợ là hệ thống công nghệ thông tin, phối hợp chính sách, giá thành giải quyết logistics để giảm chi phí giao hàng và nâng cao khả năng đáp ứng để sản phẩm VICEM đến được mọi công trình, trong mọi điều kiện thời tiết trên khắp vùng miền của Tổ quốc trong thời gian sớm nhất, chất lượng đảm bảo tốt nhất… là chiến lược toàn VICEM đang tích cực triển khai thực hiện.
Gửi bình luận của bạn