Công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) lần đầu tiên ở Việt Nam đã được ứng dụng tại dự án thuỷ điện Plêikrông từ năm 2003, do TCty Sông Đà làm tổng thầu, đến nay công nghệ này đã ghi dấu trên nhiều dự án thủy điện lớn.
Ngày đăng: 28-09-2016
1,169 lượt xem
Do được làm chủ công nghệ, chất lượng bê tông đáp ứng được yêu cầu thiết kế, tiến độ thi công nhanh, giảm giá thành xây dựng, công nghệ mới này đã được nhiều nhà thầu trên thế giới không nghừng đúc rút kinh nghiệm và cải tiến nhằm làm cho chất lượng bê tông ngày càng tốt hơn, tiến độ thi công nhanh, giá thành hạ.
Ưu điểm vượt trội
Khác với bê tông thường được đầm chặt bằng thiết bị rung đưa vào trong lòng khối đổ, bê tông RCC được làm chặt bằng thiết bị rung lèn từ mặt ngoài (lu rung). Công nghệ này thích hợp cho các công trình bê tông khối tích lớn, hình dáng không phức tạp như đập, mặt đường.
Bê tông RCC là loại bê tông sử dụng các nguyên vật liệu tương tự như bê tông thường. Việc đầm lèn bê tông bằng lu rung cho phép sử dụng hỗn hợp bê tông khô, ít chất kết dính hơn so với bê tông thường, nhờ vậy đối với một số đập và đường bê tông, thi công bằng công nghệ này nhanh hơn và rẻ hơn so với dùng công nghệ đổ bê tông truyền thống. Vì thế công nghệ này thường được áp dụng thích hợp cho thi công đập bê tông trọng lực và mặt đường, sân bãi.
Với phương pháp thi công không phức tạp, lượng dùng xi măng thấp, có thể sử dụng một số sản phẩm phụ hoặc phế thải công nghiệp giúp hạ giá thành vật liệu so với bê tông xi măng thông thường, tốc độ thi công nhanh.
Khi áp dụng cho xây dựng đập bê tông trọng lực, khối lượng bê tông được thi công càng lớn thì hiệu quả áp dụng công nghệ RCC càng cao. Việc lựa chọn phương án thi công đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn thường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đập bê tông thường và đập đất đắp.
So với đập bê tông thường, đập bê tông đầm lăn được thi công với tốc độ cao hơn do có thể dùng băng tải để vận chuyển bê tông, dùng máy ủi để san gạt, máy lu rung để đầm lèn và ít phải chờ khối đổ hạ nhiệt. So với đập đất đắp có cùng chiều cao, khối tích của đập bê tông đầm lăn nhỏ hơn nên thi công nhanh hơn. Công trình đập càng cao, hiệu quả kinh tế của đập bê tông RCC càng lớn so với đập đất đắp.
Hiệu quả kinh tế do tiết giảm chi phí
Theo các tính toán tổng kết từ các công trình đã xây dựng trên thế giới, giá thành đập bê tông RCC rẻ hơn so với đập bê tông thi công bằng công nghệ truyền thống từ 25% đến 40%. Việc hạ giá thành đạt được là do giảm được chi phí cốp pha, giảm chi phí cho công tác vận chuyển, đổ, đầm bê tông.
So với đập đắp, chi phí làm cửa tràn của đập bê tông RCC rẻ hơn (tương tự như đập bê tông thường). Đối với đập thuỷ điện được thiết kế có nhiều cửa nhận nước ở nhiều cao trình khác nhau thì phương án đập bê tông RCC càng rẻ hơn so với phương án đập đắp. Hơn nữa khi làm đập bê tông RCC, chiều dài của kênh xả nước ngắn hơn so với kênh xả nước của đập đắp và vì vậy giảm chi phí làm bản đáy và chi phí xử lí nền đập.
Việc thi công đập bằng bê tông đầm lăn giảm chi phí dẫn dòng trong thời gian xây dựng và giảm các thiệt hại, các rủi ro khi nước lũ tràn qua đê quai. Đối với đập bê tông RCC, đường ống dẫn dòng ngắn hơn ống dẫn dòng của đập đắp. Hơn nữa thời gian thi công ngắn nên các ống dẫn dòng cho đập bê tông RCC chỉ cần thiết kế để đáp ứng lưu lượng xả nước lớn nhất theo mùa thay vì lưu lượng lớn nhất theo năm như đối với đập bê tông và đập đắp. Vì vậy, đường kính cống dẫn dòng nhỏ hơn và chiều cao đê quai cũng thấp hơn so với phương án đập bê tông thường và đập đắp.
Tại Việt Nam, các dự án thủy điện lớn như: Plêikrông, Sêsan 4, Bản Vẽ, Sơn La, Lai Châu…. đều được áp dụng công nghệ thi công đập bê tông RCC. Điển hình là thủy điện Sơn La đã về đích sớm 3 năm, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ thành công chính ở công nghệ thiết kế đập và phương pháp thi công RCC được ứng dụng tại đâũng.
Gửi bình luận của bạn